“Phong trào” sử dụng công nghệ giám sát điện thoại di động (ĐTDĐ) đã xuất hiện ở một số công ty hàng đầu của Anh. Giới quản lý của các công ty lớn đã không tiếc tiền để thiết lập hệ thống giám sát các nhân viên và phương tiện trọng yếu của mình thông qua ĐTDĐ GPS. Nhưng, có nên không?
Công nghệ giám sát nhân viên thông qua ĐTDĐ cho phép nhà quản lý biết được chính xác nhân viên của mình đang ở bất kỳ nơi đâu trong vùng phủ sóng ĐTDĐ. Điều này sẽ giúp những nhân viên có công việc hay đi ra ngoài trở nên tự giác và chăm chỉ làm việc hơn thay vì trốn vào những quán cà phê hay la cà nhậu nhẹt đâu đó.
Kevin Brown, giám đốc điều hành Công ty cung cấp dịch vụ giám sát thông qua ĐTDĐ Followus, cho biết: “Không có gì rắc rối khi tiến hành giám sát nhân viên bằng ĐTDĐ, đã có những điều luật rất nghiêm ngặt về vấn đề này. Một nhân viên mẫn cán nên đồng ý cho công ty giám sát anh ta trong giờ làm việc, điều này bình thường cũng giống như camera bảo vệ gắn ngoài hành lang vậy.
Các công ty không được phép giám sát nhân viên nếu không được sự đồng ý của họ. Các điều luật của chính phủ bắt buộc các công ty cung cấp dịch vụ giám sát phải gửi tin nhắn đến ĐTDĐ đang bị theo dõi để thông báo cho chủ nhân biết rằng họ đang ở trong tình trạng bị giám sát”.
Công việc theo dõi vị trí ĐTDĐ của một nhân viên nào đó rất dễ dàng trên máy tính có kết nối Internet. Công ty cung cấp dịch vụ giám sát sẽ trang bị cho khách hàng của mình một phần mềm tương tự như một bản đồ chi tiết, trên đó thể hiện đầy đủ vị trí của những ĐTDĐ đang ở trong tình trạng bị theo dõi. Mọi thông tin vị trí trên bản đồ này đều được công ty cung cấp dịch vụ gửi trực tiếp đến khách hàng thông qua Internet.
Followus đã tung ra dịch vụ này từ năm 2003 và hiện đã có hơn 50.000 thuê bao ĐTDĐ đăng ký được giám sát, với mức độ tăng trưởng khoảng 5.000 thuê bao/tháng. Brown cho biết mức độ chính xác của việc định vị ĐTDĐ ở khu vực trung tâm thành phố là khoảng 100m, còn nếu ĐTDĐ đang ở các vùng xa ngoại tỉnh thì cũng ước lượng được vị trí của ĐTDĐ trong vòng vài cây số.
Andrew Overton, giám đốc điều hành Công ty giám sát ĐTDĐ Verilocation, cho biết có rất nhiều ĐTDĐ trong số 60.000 thuê bao mà công ty đang giám sát là của các doanh nghiệp nhỏ. Đa số người đăng ký giám sát đều cho rằng mình quan tâm đến sự an toàn của nhân viên nhiều hơn là chức năng quản lý công việc. Số ĐTDĐ đăng ký được giám sát đã gia tăng đột biến sau sự kiện London bị đánh bom khủng bố. Đa số các ông chủ đều muốn theo dõi các nhân viên có năng lực của mình, nhất là khi họ đảm trách những công việc hết sức quan trọng của công ty ở những nơi xa.
Nhưng thật ra không phải nhân viên nào cũng vui vẻ khi được giám sát kỹ lưỡng trong giờ làm việc. Một nhóm đấu tranh cho nhân quyền đang phản đối việc làm này của giới quản lý vì cho rằng nó vi phạm nặng nề đến quyền tự do cá nhân.
Nhóm đấu tranh nhân quyềnLiberty cho rằng việc giám sát nhân viên bằng ĐTDĐ này đã thể hiện sự bất bình đẳng sâu sắc giữa giới chủ và người làm công. Bà Jen Corlew, phát ngôn viên của nhóm Liberty, nhận định: “Vì áp lực phải giữ chỗ làm nên hầu như đa số nhân viên đều phải “cắn răng” chấp nhận bị giới chủ giám sát và việc này sẽ gây nên áp lực thần kinh nặng nề cho họ. Chúng tôi đang hết sức lo lắng về chiều hướng giảm sút quyền tự do cá nhân của người lao động”.
Nếu trào lưu giám sát này lan đến VN, liệu người lao động sẽ phản ứng ra sao? Một chuyên gia về lĩnh vực viễn thông tại Hà Nội cho biết hiện nay hạ tầng viễn thông nước ta chưa phát triển kịp đến mức này. Với cơ sở hạ tầng hiện nay, người ta chỉ có thể biết 1 thuê bao đang ở 1 cell (khu vực gần trạm thu phát sóng điện thoại) nào.
1 cell thường có diện tích từ khoảng vài kilômet đến vài chục, nếu muốn biết chính xác vị trí phải sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS thông qua vệ tinh.Tuy nhiên, nếu trong tương lai hạ tầng cho phép thì việc giám sát này cũng chỉ nên thực hiện trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng chứ không nên cho sử dụng đại trà, vì với bất cứ một cá nhân nào, quyền riêng tư cũng nên được tôn trọng.
(theo TT)